Theo quy định của pháp luật hiện hành, để có một quan hệ hôn nhân hợp pháp thì hai bên nam nữ phải thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền, nhằm mục đích được pháp luật công nhận mối quan hệ, bảo vệ quyền và lợi ích của mỗi bên. Việc thực hiện đăng ký kết hôn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc kiểm soát nhân khẩu tại địa phương, bảo vệ nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng cũng như là cơ sở pháp lý để giải quyết các tranh chấp liên quan đến tài sản chung của hai bên, quyền nuôi con của hai bên. Tuy nhiên, trên thực tế vì nhiều lý do mà có rất nhiều cặp vợ chồng chung sống với nhau mà không thông qua các thủ tục pháp lý dẫn tới sự khó khăn trong giải quyết quyền lợi cho mỗi bên. Do đó, pháp luật hôn nhân hiện hành có ghi nhận về các trường hợp hôn nhân thực tế không có giấy đăng ký kết hôn nhưng vẫn được công nhận là vợ chồng hợp pháp
Hôn nhân thực tế là trường hợp nam nữ chung sống với nhau và thỏa mãn những điều kiện theo quy định của pháp luật nhưng không thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn vẫn được pháp luật công nhận hôn nhân hợp pháp, được giải quyết quyền, lợi ích và nghĩa vụ như hôn nhân hợp pháp.
Theo Thông tư 01/2001/ Thông tư liên tich của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp về việc thi hành luật hôn nhân và gia đình thì những trường hợp hai bên nam nữ không đăng ký kết hôn vẫn được pháp luật công nhận là hôn nhân thực tế, quyền và nghĩa vụ được áp dụng như hôn nhân hợp pháp như sau:
Trường hợp thứ nhất, hai bên nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng, xác lập quan hệ vợ chồng với nhau trước ngày 03/01/1987.
Các mối quan hệ hôn nhân của hai bên nam nữ hình thành từ thời điểm Luật Hôn nhân và gia đình 1986 có hiệu lực là thời điểm pháp luật chưa thật sự đi sâu và phổ biến trong đời sống của người dân. Những mối quan hệ vợ chồng được hình thành dựa sự tự nguyện và tình cảm của hai bên, dựa trên phong tục tập quán của mỗi địa phương, và có nhiều cặp vợ chồng không trình diện với cơ quan chức năng mà chỉ sống chung với nhau mà không có giấy hôn thú. Nắm bắt được tình hình đó, nhằm bảo đảm sự ổn định về mặt nhân khẩu tại địa phương, quy định của pháp luật vẫn công nhận những cặp vợ chồng này có hôn nhân hợp pháp.
Hôn nhân hợp pháp của những cặp vợ chồng này được tính từ thời điểm hai bên bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng ví dụ như: ngày hai bên nam nữ tổ chức đám cưới, kể từ ngày sống chung có người làm chứng của hai bên vợ chồng,,vv..Mặc dù những thời điểm đó không thật sự rõ ràng để xác định nhưng pháp luật vẫn ghi nhận để có thể dễ dàng giải quyết khi có tranh chấp. Theo đó, mặc dù họ chưa làm thủ tục đăng ký kết hôn nhưng họ vẫn được đảm bảo quyền và nghĩa vụ hợp pháp của vợ chồng; khi làm thủ tục ly hôn hay có tranh chấp về vấn đề gì thì vẫn được cơ quan chức năng áp dụng Luật Hôn nhân và gia đình để giải quyết.
Trường hợp thứ hai, hai bên nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng sau thời điểm Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực đến trước ngày 01/01/2001.
Đối với những trường hợp nam nữ sống chung với nhau kể từ sau khi Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 đến trước thời điểm Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 có hiệu lực, mặc dù họ có đủ điều kiện theo quy định của luật để kết hôn nhưng vẫn chưa làm thủ tục đăng ký thì bắt buộc phải làm thủ tục đăng ký kết hôn lên cơ quan có thẩm quyền để được công nhận là vợ chồng hợp pháp. Tuy nhiên trong thời điểm mà họ đăng ký kết hôn sẽ không được mặc định là thời điểm họ được xác lập mối quan hệ vợ chồng mà quan hệ của họ vẫn được công nhận kể từ ngày họ sống chung với nhau. Thời điểm họ về ở chung với nhau kể từ thời điểm họ có sự sống chung với nhau, chăm sóc giúp đỡ và cùng nhau xây dựng gia đình hay tính từ mốc thời gian tổ chức lễ cưới, về chung sống với nhau có người khác chứng kiến. Theo đó nếu sống chung với nhau trong khoảng thời gian này mặc dù Luật hôn nhân và gia đình 1986 đã có hiệu lực nhưng pháp luật vẫn cho các cặp vợ chồng chưa đăng ký kết hôn một khoảng thời gian hợp lý để kịp thời bổ sung thủ tục này. Trong khoảng thời gian đó nếu có yêu cầu ly hôn hay giải quyết tranh chấp thì vẫn được áp dụng theo quy định pháp luật hiện hành để giải quyết. Theo quy định của Thông tư liên tịch 01/2001 thì những trường hợp này phải đăng ký kết hôn trong khoảng thời gian từ thời điểm ngày 1 tháng 1 năm 2001 đến thời điểm ngày 1 tháng 1 năm 2003.
Nếu như sau thời điểm ngày 1 tháng 1 năm 2003 mà các cặp vợ chồng không tiến hành thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn hợp pháp thì họ sẽ không được xem là vợ chồng theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình. Theo đó nếu có yêu cầu về thực hiện thủ tục ly hôn thì không áp dụng luật mà chỉ xử lý về vấn đề tranh chấp quyền nuôi con và tranh chấp phân chia tài sản.
Như vậy, việc quy định về các trường hợp hôn nhân thực tế được quy định rõ trong hệ thống pháp luật Việt Nam nhằm khuyến khích việc đăng ký kết hôn giữa các bên nam nữ sống chung với nhau, và là cơ sở pháp lý để giải quyết những khó khăn, vướng mắc gặp phải khi các vấn đề liên quan đến mối quan hệ hôn nhân này có tranh chấp.