Trong quá trình thành lập doanh nghiệp hoặc trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, để doanh nghiệp có thể hoạt động tốt thì phải đảm bảo nguồn vốn điều lệ của công ty. Pháp luật về doanh nghiệp của Việt Nam hiện hành cho phép để tạo nên nguồn vốn điều lệ cho doanh nghiệp không cần nhất thiết phải từ nguồn vốn của chủ sở hữu hay người đại diện theo pháp luật mà có thể nhận góp vốn từ bên ngoài. Quy định về góp vốn giúp cho doanh nghiệp linh động hơn trong quá trình hoạt động, kinh doanh cũng như tạo điều kiện để những người muốn kinh doanh, thành lập doanh nghiệp nhưng không có nguồn vốn thì có thể huy động các nguồn vốn bên ngoài để đủ điều kiện thành lập. Tuy nhiên không phải bất cứ tài sản nào cũng có thể góp vốn và không phải bất cứ trường hợp nào, doanh nghiệp nào cũng có thể nhận góp vốn bằng tài sản được. Sau đây, chúng tôi sẽ đưa ra những quy định mới nhất về hai hình thức góp vốn là góp vốn bằng thương hiệu hoặc góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ để mọi người nắm rõ.
Thứ nhất, khái niệm:
– Khái niệm góp vốn:Theo quy định tại khoản 13 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014 có nêu rõ về khái niệm này, theo đó góp vốn chính góp một loại tài sản vào vốn điều lệ của một công ty. Góp vốn có thể được thực hiện trong hai giai đoạn bao gồm trong quá trình thành lập doanh nghiệp hoặc sau khi doanh nghiệp đã được thành lập.
– Khái niệm thương hiệu:
Khái niệm thương hiệu được xác định là một thuật ngữ, một tên gọi, một thiết kế, một hình tượng hoặc các dấu hiệu khác để người tiêu dùng phân biệt với một tổ chức hoặc một sản phẩm khác của công ty khác. Hiện nay có một số thương hiệu quốc tế nổi tiếng như Coca Cola, Nike, Adidas,…
– Khái niệm quyền sở hữu trí tuệ:
Được quy định tại Luật sở hữu trí tuệ 2005 tại khoản 1 Điều 4 và tại khoản 2 Điều 35 Luật Doanh nghiệp 2014như sau: quyền sở hữu trí tuệ được dùng khi góp vốn vào vốn điều lệ của doanh nghiệp là quyền của các cá nhân, các tổ chức đối với tài sản là trí tuệ, trong đó bao gồm quyền tác giả và các quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền đối với giống cây trồng, quyền sở hữu công nghiệp và các quyền sở hữu trí tuệ khác. Ví dụ: Quyền tác giả của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với quyển sách Kính vạn hoa, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ,…
Thứ hai, quy định về góp vốn bằng thương hiệu:
Bộ luật Dân sự 2015 xác định tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Thương hiệu được xác định là một tài sản vô hình của doanh nghiệp, không thể cầm nắm hay cố định tại một chỗ. Như vậy thương hiệu vẫn có thể được xác định là một trong những tài sản mà cá nhân, tổ chức có thể góp vốn vào vốn điều lệ của doanh nghiệp. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam chưa có văn bản cụ thể hướng dẫn vấn đề góp vốn bằng thương hiệu vào doanh nghiệp, tuy nhiên pháp luật doanh nghiệp cũng không cấm việc góp vốn bằng thương hiệu và trên thực tế việc góp vốn này đã diễn ra khá phổ biến. Góp vốn bằng thương hiệu được thực hiện thông qua việc định giá giá trị của thương hiệu quy thành tiền.
Việc định giá thương hiệu chưa có các căn cứ và quy định cụ thể để xác định giá trị của thương hiệu, tùy các bên đàm phán đưa ra mức giá trị hoặc định giá dựa trên thị trường. Thường việc góp vốn sẽ được thực hiện sau khi đã định giá thương hiệu dựa trên thỏa thuận của hai bên hoặc dựa trên bảng định giá của bên thứ là tổ chức, đơn vị, công ty định giá thương hiệu.
– Thủ tục góp vốn bằng thương hiệu:
Khi góp vốn bằng thương hiệu thì doanh nghiệp nào đang sở hữu thương hiệu đã được đăng ký thì thực hiện việc chuyển quyền sở hữu thương hiệu thông qua việc thay đổi chủ sở hữu đối với thương hiệu đó được thực hiện tại cơ quan đăng ký thương hiệu ban đầu.
Sau khi chuyển quyền sở hữu thương hiệu thì thực hiện việc thành lập doanh nghiệp như bình thường hoặc thực hiện việc điều chỉnh vốn điều lệ của doanh nghiệp.
Thứ ba, quy định về góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ:
Quyền sở hữu trí tuệ đã đăng ký bảo hộ thì sẽ được ghi nhận, như vậy đây được xác định là tài sản có đăng ký quyền sở hữu. Như vậy điều kiện tiên quyết của việc góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ là quyền sở hữu đó đã được đăng ký bảo hộ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền; được pháp luật ghi nhận thông qua văn bằng, chứng từ và chỉ có chủ sở hữu đứng tên trên văn bằng đó mới được thực hiện việc góp vốn. Góp vốn ở đây được hiểu là góp giá trị của quyền sở hữu trí tuệ và được thực hiện thông qua việc chuyển chủ sở hữu đứng tên trên văn bằng chứng nhận và ghi nhận quyền sở hữu này trong danh sách tài sản vốn điều lệ của doanh nghiệp.
Mặc dù sản phẩm, quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp hay các quyền sở hữu trí tuệ khác Luật sở hữu trí tuệ 2005 quy định người phát minh, sáng chế không nhất thiết phải đăng ký bảo hộ nhưng nếu muốn để thực hiện được thủ tục góp vốn thì tác giả, người phát minh hoặc sáng chế phải tiến hành đăng ký bảo hộ sản phẩm của mình tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đảm bảo điều kiện theo quy định của luật.
– Thủ tục góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ:
Tương tư như thủ tục góp vốn bằng thương hiệu, góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ cũng được thực hiện sau khi đã đăng ký quyền sở hữu.
+ Định giá quyền sở hữu trí tuệ: Bên góp vốn và bên nhận góp vốn đàm phán định giá quyền sở hữu trí tuệ hoặc thuê cơ quan, đơn vị chuyên môn định giá tài sản;
+ Tiến hành cấp giấy chứng nhận vốn góp, cổ phần và tiến hành chuyển quyền sở hữu tại cơ quan có thẩm quyền;
+ Thực hiện việc xác nhận hoặc thay đổi vốn điều lệ của doanh nghiệp nhận góp vốn.
Thứ tư, hồ sơ góp vốn bằng thương hiệu và quyền sở hữu trí tuệ:
Chủ thể góp vốn bằng thương hiệu và quyền sở hữu trí tuệ được chia thành hai đối tượng là cá nhân, tổ chức không kinh doanh và cá nhân, tổ chức có kinh doanh:
– Hồ sơ góp vốn của cá nhân, tổ chức không kinh doanh bao gồm:
+ Chứng từ chứng minh quyền sở hữu đối vơi thương hiệu hoặc quyền sở hữu trí tuệ;
+ Biên bản góp vốn hoặc biên bản giao nhận tài sản nếu công ty nhận góp vốn là công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần;
+ Văn bản định giá tài sản hoặc văn bản thỏa thuận của hai bên.
– Hồ sơ góp vốn của cá nhân, tổ chức có kinh doanh bao gồm:
+ Chứng từ định giá tài sản của đơn vị định giá chuyên nghiệp hoặc văn bản thỏa thuận, biên bản định giá tài sản của bên góp vốn và bên nhận góp vốn;
+ Biên bản góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ hoặc thương hiệu;
+ Các chứng từ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản;
+ Hợp đồng liên kết, liên doanh của hai bên.
Lưu ý:
– Khi định giá tài sản góp vốn là quyền sở hữu trí tuệ và thương hiệu, việc định giá phải được quy đổi ra thành tiền và là tiền Việt Nam. Pháp luật không ghi nhận định giá thành tiền Đô la hay các loại tiền khác theo quy định tại khoản 1 Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2014.